Việc chăm sóc và đỡ đẻ cho bò sữa là công việc không hề đơn giản. Vào thời kỳ này bò mẹ thường rất yếu, sức đề kháng bị giảm, nhất là khi mang thai sắp đẻ. Đây là lúc bà con cần phải chú ý đến việc chăm sóc vật nuôi của mình như bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết theo khuyến cáo của bác sĩ thú y. Sau đây là một số kinh nghiệm trong chăm sóc và đỡ đẻ cho bò sữa mà chúng tôi muốn chia sẻ đến bà con.
Thời gian mang thai của bò là 9 tháng 10 ngày nhưng cũng có nhiều trường hợp chênh lệch thời gian từ 5 – 6 ngày. Việc chăm sóc nuôi dưỡng bò giai đoạn này rất quan trọng vì sẽ quyết định đến chất lượng bò con sau khi được sinh ra khỏe mạnh, và bò mẹ vẫn đủ sức khỏe để mang thai lần tiếp theo.
Ở giai đoạn này, bà con cần thường xuyên kiểm tra tình hình của bò mang thai, những bất thường ở hành vi của bò, ở thân thể bò. Bởi vì thông thường trước khi đẻ 1 tuần bò mẹ bồn chồn đứng lên nằm xuống nhiều lần và có biểu hiện lo lắng. Lúc này bầu vú sẽ căng lên, các dây chằng, khung xương chậu giãn ra làm phần khấu đuôi bò sụp xuống. Trong thời gian này, bà con cần hạn chế tiếng ồn hay để bò di chuyển nhiều lần cũng làm ảnh hưởng đến quá trình sinh sản của bò mẹ.
Ngoài ra, trước khi bò đẻ một tháng bà con có thể tập dần cho bò quen với việc vắt sữa. Hằng ngày bà con tiến hành kiểm tra sức khỏe bò và bầu vú. Lưu ý tránh vắt sữa bò trước khi bò đẻ, nếu bầu vú căng hoặc có dấu hiệu viêm vú thì có thể vắt cho bớt căng nhưng không vắt kiệt.
Thời gian bò mang thai, bà con cần phải đảm bảo môi trường sống tốt nhất cho chúng bằng cách thường xuyên vệ sinh dọn dẹp chuồng trại. Bà con nên dùng thêm chế phẩm đệm lót chuồng để giúp sử lý phân nhanh hơn, làm chuồng ấm vào mùa đông và mát vào mùa hè nhằm tạo sự thoải mái cho bò.
Có thể tiêm phòng nếu cần thiết nhưng chỉ tiêm vào thời điểm mang thai từ tháng thứ 4 đến tháng thứ 7 để không ảnh hưởng đến bò con trong bụng mẹ.
Bò cái sắp đẻ cần tách khỏi đàn 15 ngày trước khi đẻ và chú ý theo dõi bò thường xuyên để có thể can thiệp kịp thời nếu có biến cố. Thông thường người ta sẽ để bò đẻ tự nhiên từ 2 – 3 giờ, nếu bò chưa đẻ được thì mới can thiệp.
- Chuẩn bị vật tư đỡ đẻ:
+ Nước muối 10% hoặc thuốc tím 0,1%
+ Cồn lod hoặc cồn 750
+ Xà bông, rơm, cỏ khô,...
+ Thuốc thú y cần thiết khi phải can thiệp: Oxytocin, Vitamin C, Camphora
- Các bước đỡ đẻ cho bò:
Bước 1: Sát trùng tay bằng cồn, tắm rửa bò sạch sẽ nhất là phần mông và âm hộ.
Bước 2: Kiểm tra xem thuận hay nghịch (thai thuận đầu và 2 chân trước hướng ra ngoài, mọi tư thế khác đều gọi là thai nghịch, ta phải sửa lại tư thế thai hay chuẩn bị để có thể can thiệp kịp thời).
Bước 3: Trước khi đẻ bọc ối vỡ, bò rặn và thai lọt ra ngoài. Nếu bò mẹ yếu ta phải kéo thai (lợi dụng lúc bò rặn mới kéo) hoặc kích thích cho bò rặn bằng cách chính cho mỗi con khoảng 100 – 150 UI Oxytocin (tùy trọng lượng cơ thể) chia 2 – 3 lần cách nhau 30 phút, chú ý tuyệt đối không được chích quá liều cho phép vì Oxytocin có thể làm mẹ rặn quá mức dẫn đến bê tử vong.
Bước 4: Bê lọt lòng để bò mẹ liếm, nếu không phải dùng khăn lau khô bọc móng cho bê đứng, dây rốn cắt cách bụng 15 cm sát trùng bằng cồn iod cho đến khi khô.
Bước 5: Bò đẻ xong nên cho uống nước hòa cám và muối. Sau 1 – 2 giờ bê cứng cáp thì bắt đầu cho bê bú sữa đầu.
Cho bò ăn thức ăn bồi dưỡng và thức ăn xanh non.
Dùng bock rửa tử cung bò bằng nước sát trùng khoảng 3 – 4 ngày đầu để ngừa viêm nhiễm.
Chế độ vắt sữa: những ngày đầu bò mới đẻ, thường thường bầu vú còn cứng do đó lúc vắt sữa ta phải lấy nước nóng chườm bầu vú cho mềm lại đồng thời tăng cường xoa bóp bầu vú 3 – 4 lần/ngày cho đến khi bầu vú mềm hẳn thì lúc đó sản lượng sữa mới tăng dần lên được. Chế độ massage bầu vú phải làm thường xuyên và liên tục khoảng 10 ngày. Nếu sữa bò vắt có màu hồng ta phải giảm bớt lượng thức ăn tinh.