Mộc Châu: Có những nông dân nuôi bò thu nhập 1 tỷ đồng/năm

Mộc Châu: Có những nông dân nuôi bò thu nhập 1 tỷ đồng/năm
Viết bởi: admin Thuộc danh mục: Tin nông nghiệp Ngày đăng: 2015-09-07 Lượt xem: 362 Bình luận: 0

Từ 1999, ông Trần Công Chiến nhận nhiệm vụ TGĐ Công ty Cổ phần giống bò sữa Mộc Châu, cái tên Chiến "bò” có từ đó. Với quy trình chăn nuôi hiện đại, sản xuất trên dây chuyền công nghệ mới, ông Chiến đang ấp ủ ước mơ sản xuất sữa tự nhiên siêu sạch Organic trong vòng 3 năm tới. Nếu thành hiện thực, Mộc Châu sẽ là doanh nghiệp đầu tiên ở VN sản xuất được sữa Organic.

Từ 1999, ông Trần Công Chiến nhận nhiệm vụ TGĐ Công ty Cổ phần giống bò sữa Mộc Châu, cái tên Chiến "bò” có từ đó. Với quy trình chăn nuôi hiện đại, sản xuất trên dây chuyền công nghệ mới, ông Chiến đang ấp ủ ước mơ sản xuất sữa tự nhiên siêu sạch Organic trong vòng 3 năm tới. Nếu thành hiện thực, Mộc Châu sẽ là doanh nghiệp đầu tiên ở VN sản xuất được sữa Organic.

“Năm 1988-1989, chuyển từ bao cấp sang thị trường, ngân hàng không cho vay vốn, phiếu gạo không còn, sản phẩm chỉ có sữa đặc có đường, sữa bánh, đàn bò sữa giảm mạnh từ 2.800 con xuống còn 1.214 con năm 1990, chúng tôi tưởng xoá sổ nghề bò sữa ở Mộc Châu” - ông Chiến tâm sự.

Nhưng nay, Mộc Châu đã là một bức tranh tươi sáng về mối quan hệ khăng khít giữa người nông dân với doanh nghiệp, công nhân chính là cổ đông của công ty và có thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng.

- Theo ông, điều gì đã dẫn đến những thành công của Mộc Châu hôm nay?

- Thứ nhất là khoán hộ gia đình: Đầu những năm 90, chúng tôi nghĩ ra mô hình “khoán”. Anh Phạm Văn Nhán là Phó TGĐ bây giờ lúc đó làm đội trưởng một đội, nhận một trại bò 20 con, tương đương 20 triệu.

Quyết định này của chúng tôi bị coi là quá mạo hiểm ở thời điểm đó, việc giao và nhận việc trong bối cảnh khó khăn đều chỉ bằng niềm tin. Mãi tới năm 1995, quy định về “khoán” mới có, Mộc Châu làm trước nên bị nói nhiều.

Từ “khoán”, chúng tôi xác định rủi ro là 5%, nhưng đến nay, sau 15 năm áp dụng, tổng kết lại thấy rủi ro không quá 2%. Năm nay, chúng tôi đang áp dụng những kiến thức mới vào chăn nuôi, do chuyên gia nước ngoài đến tập huấn: giảm thức ăn tinh, tăng thức ăn thô xanh.

Trước đây, một đời bê ăn 800kg sữa tươi, nay giảm thời gian cho ăn sữa từ 120 ngày xuống còn 90 ngày, cho ăn thức ăn bổ sung nên chỉ hết 80kg sữa tươi, khiến giá thành nuôi bê giảm từ 4,6 triệu xuống còn 2,1 triệu/con, lượng sữa thu được cho vào chế biến lại tăng.

Đặc biệt, nhiều nhà chăn nuôi trẻ ở Mộc Châu đã chịu khó đầu tư, mua máy thái băm, máy vắt sữa, máy cắt cỏ, máy tưới nước, tăng nhanh đàn bò sữa của gia đình họ. Chúng tôi cũng đang thử nghiệm phối tinh phân định giới tính với mong muốn bê sinh ra đạt 90% là bê cái, trước tiên thử nghiệm 500 liều. Nếu kết quả này khả quan, lượng bò sữa cao sản của Mộc Châu sẽ được nhân đàn nhanh chóng.

Thứ hai, xây dựng nhà máy sữa hiện đại, sản phẩm làm ra đạt tiêu chuẩn quốc tế (trước đây khi chưa có Nhà máy sữa Mộc Châu, chủ yếu chúng tôi phải bán nguyên liệu cho các cơ sở chế biến khác.

Thứ ba, thay đổi cơ chế quản lý chuyển sang cổ phần hoá từ ngày 01/01/2005. Cơ chế này đã tạo điều kiện để người chăn nuôi thực sự làm chủ và đảm bảo được lợi ích.

Thứ tư, phân phối lợi ích hợp lý trên cơ sở khuyến khích tạo điều kiện cho người chăn nuôi phát triển là trọng tâm số một của công ty. Con em người chăn nuôi được công ty đào tạo và nhận vào làm việc trong nhà máy và hệ thống dịch vụ của công ty.

- Theo ông, Mộc Châu còn điều gì phải phấn đấu?

- Ở Mỹ, Úc, cứ 1ha đồng cỏ chỉ nuôi 1 bò, vì đất đai rộng lớn, nhưng Mộc Châu đang thực hiện 1ha nuôi 5 bò, và tiến tới phải sử dụng cỏ giống mới, 1ha nuôi được 10 bò.

Mộc Châu đang thua các nước là qui mô chăn nuôi của các hộ gia đình còn nhỏ, bình quân mỗi hộ nuôi 12 con, phải phấn đấu tăng lên 25–30 con/hộ. Trong đó có 20–30% số hộ nuôi phải đạt 80–100 con. Đồng thời phải đầu tư xây dựng 2–3 trại giống cao sản, mỗi trại 200–300 con nhằm tăng nhanh đàn bò và sản lượng sữa tươi.

Phải tập trung xây dựng sản phẩm sữa hữu cơ Oganic đồng thời xây dựng khu du lịch sinh thái kết hợp với trang trại nuôi bò. Chúng tôi cũng tự hào là đơn vị đầu tiên trên cả nước đã thực hiện được bảo hiểm vật nuôi và bảo hiểm giá sữa.

Đặc điểm của nhiều nông dân là không dám đóng bảo hiểm vì sợ mất tiền. Mô hình của chúng tôi là nông dân đóng 1, khi gặp rủi ro được đền 10. Ai cũng nói đóng 1 đền 10 là cao quá, nhưng khi thực hiện, chúng tôi thấy đạt cả yêu cầu của nông dân lẫn của công ty. Hiện nay, 100% bò Mộc Châu có bảo hiểm. Tôi cũng muốn tăng gấp đôi tiền bảo hiểm, từ 250 nghìn/con đến 500 nghìn/con, nhưng khi rủi ro thì giá trị đền bù tăng từ 2,5 triệu lên đến 8 triệu. Mộc Châu cũng là nơi đầu tiên thực hiện bảo hiểm giá sữa.

Khi sản xuất sữa tiệt trùng từ 100% sữa tươi, lúc đưa sữa vào máy, bọt rất nhiều, nhưng chúng tôi đã xử lý được. Chúng tôi đang phấn đấu có một hệ thống máy mới đa chức năng, có thể sản xuất cả sữa đậu nành.

Tại Sơn La có đậu nành Sông Mã, chất lượng rất tốt, thử nghiệm cho thấy 1kg đậu nành được 9 lít dịch sản xuất sữa đậu nành, chúng tôi đang phối hợp với chuyên gia Tetra Pak sản xuất loại sữa đậu nành hàm lượng đạm cao, trở thành một dòng sản phẩm mới của công ty, đồng thời tăng đàn bò sữa hiện tại lên 15-20 nghìn con trong 5 năm tới.

- Điều gì làm ông hài lòng nhất ở Mộc Châu hiện nay?

- Thu nhập của hộ gia đình chăn nuôi ở Mộc Châu 10 triệu đồng/tháng là bình thường, chúng tôi có khoảng 30 hộ gia đình thu nhập xấp xỉ 1 tỷ đồng/năm. Những thành quả đầu tiên của sự phát triển nghề chăn nuôi ở Mộc Châu chính người dân được hưởng, vì họ đã quá cực nhọc trong mấy chục năm qua. Nếu người dân không giàu, tôi cũng chẳng làm TGĐ làm gì, đó chính là ước vọng của tôi.

Tags:

Để lại bình luận