CÁC XU HƯỚNG LỚN CỦA NGÀNH THỰC PHẨM & DINH DƯỠNG THẾ GIỚI

Viết bởi: admin Thuộc danh mục: ROOT Ngày đăng: 2017-08-14 Lượt xem: 1372 Bình luận: 0

CÁC XU HƯỚNG LỚN CỦA NGÀNH THỰC PHẨM & DINH DƯỠNG THẾ GIỚI

Bài viết cho TBKTSG

Tác giả: Nguyễn Phi Vân
Thực phẩm đóng gói tiếp tục tăng trưởng tốt trên thị trường thế giới với tổng giá trị ngành đạt hơn 2.000 tỉ đô la Mỹ và chi tiêu đầu người trung bình ở mức 279,3 đô la Mỹ. Theo Euromonitor, dự đoán tỷ lệ tăng trưởng trung bình hàng năm của ngành trong giai đoạn 2016-2021 ở mức 2,2%. Trong đó, các khu vực thị trường tăng trưởng nhanh có châu Phi, Trung Đông và châu Á với mức tăng trưởng trung bình từ 4,6-8,2%. Đây là những con số đáng khuyến khích đối với các doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành.

Tuy nhiên, để có thể chinh phục các thị trường khu vực và quốc tế, doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý sự chuyển động của các xu hướng thực phẩm lớn, qua đó có sự chuẩn bị nền tảng về sáng tạo sản phẩm, giải pháp sản phẩm và hình thức tiếp cận phù hợp. Trong một số diễn đàn về xu hướng phát triển ngành thực phẩm thế giới vừa qua tại châu Âu, có sáu xu hướng phá vỡ tính truyền thống cần lưu ý.

Xu hướng 1: Tính bản địa

Sự phát triển của công nghệ làm cho thế giới nhỏ lại qua vài cú nhấp chuột, bằng Google Earth, bằng hình ảnh và thông tin bình luận của những con người thật, trải nghiệm thật. Vì vậy, con người có điều kiện hiểu rõ hơn, thích thú tìm hiểu nhiều hơn về đặc điểm quốc gia, đặc tính vùng miền. Qua đó, họ yêu quý hơn những giá trị văn hóa, môi trường, truyền thống địa phương. Từ thói quen sử dụng sản phẩm phổ thông do các tập đoàn khổng lồ sản xuất, nay, người tiêu dùng bắt đầu quan tâm đến nguồn gốc, đến câu chuyện nuôi trồng, đến cuộc sống, niềm vui, nỗi buồn của những người chăm chút và làm nên sản phẩm. Tiêu dùng trở nên hết sức cá nhân, chịu ảnh hưởng của cảm xúc và giá trị nhân văn chung giữa người mua và người bán.

Với xu hướng này, người tiêu dùng đặt niềm tin vào thương hiệu, được đánh giá bằng tính trung thực của thương hiệu trong việc cung cấp thông tin minh bạch và khả năng truy xuất nguồn gốc chính xác, dễ dàng. Thị trường bắt đầu xuất hiện sản phẩm có nguồn gốc nguyên vật liệu độc nhất từ một vùng miền, không sử dụng nguyên vật liệu đột biến gen; sự trở lại của những nguyên vật liệu truyền thống hay hạt giống cổ.

Rõ ràng, đang có sự trỗi dậy của tính bản địa, của niềm tin, của những giá trị thật và câu chuyện thật.

Xu hướng 2: Vì thời gian là tiền bạc

Công nghệ giúp kết nối hiệu quả hơn nhưng cũng lấy đi của con người thời gian cho bản thân. Vì mọi thứ phải tức thì, vì có nhiều “mối bận tâm online”, vì người người đều có thể trở thành đơn vị phát hành, thời gian dành cho màn hình ngày càng tăng, cũng có nghĩa thời gian cho việc chuẩn bị bữa ăn hay ngay cả cho việc ăn uống bị giảm xuống. Đây là một trong những xu hướng quan trọng tạo ra nhiều giải pháp sản phẩm mới. Vì “tôi” không có thời gian, người bán cần cho tôi sự lựa chọn “tất cả trong một, ngay khi tôi cần, đúng nơi tôi cần, và theo cách tôi cần”.

Vấn đề là nhà cung cấp không cần tạo ra dòng sản phẩm mới nữa vì thế giới đã có quá nhiều sản phẩm. Cái người tiêu dùng cần là giải pháp kiểu như bữa ăn di động, giải pháp tận nơi hay bữa ăn sơ chế, bữa ăn dùng ngay... Mọi nỗ lực cắt ngắn hoặc loại trừ thời gian phí phạm trong việc đặt hàng, tìm mua sản phẩm, kết hợp và chế biến sản phẩm, chuẩn bị bữa ăn, dọn dẹp sau bữa ăn... đều có thể trở thành giải pháp để tranh thủ thêm chút thời gian cho người tiêu dùng. Họ sẽ yêu quý và cám ơn bạn vì điều đó.

Một ví dụ điển hình là sản phẩm yaourt truyền thống De Zuivelhoeve của Hà Lan đã được chuyển đổi thành bữa ăn sáng di động với yaourt, ngũ cốc, các loại phụ liệu. Tất cả được đóng gói trong một cái ly nhiều ngăn, có sẵn muỗng. Người tiêu dùng chỉ cần mở ra, pha trộn theo ý mình là có ngay bữa sáng vô cùng thuận tiện. Tương tự, Walmart vừa xuất hiện dòng bữa ăn dặm dinh dưỡng mang tên protein snack với sự kết hợp của các loại hạt, ngũ cốc, phô mai, và các loại thịt nguội.

Nếu là doanh nghiệp đang kinh doanh trong các ngành này, có lẽ đã đến lúc doanh nghiệp cần nghĩ xa hơn và tìm ra giải pháp kết hợp mới cho khách hàng. Công nghệ càng phát triển, con người càng ít thời gian hơn, các giải pháp sản phẩm càng phải thông minh hơn, tiết kiệm hơn, đơn giản và dễ dàng hơn. Nếu nắm bắt xu hướng này, doanh nghiệp có thể không ngừng sáng tạo giải pháp sản phẩm và tạo ra giá trị.

Xu hướng 3: Sức khỏe

Nhu cầu mua sức khỏe đang ngày càng tăng lên. Một xu hướng sản phẩm đang trỗi dậy trên thế giới phục vụ cho nhu cầu sức khỏe, đó là sản phẩm thay thế. Trái cây, rau củ được sử dụng để thay thế các sản phẩm ăn vặt truyền thống. Nguyên vật liệu giảm bột, giảm béo, giảm đường thay thế cho những loại nguyên vật liệu trước nay. Sữa bò nguyên kem được thay thế bằng sữa đậu nành, sữa hạnh nhân, sữa dừa. Sản phẩm thịt được thay thế bằng sản phẩm có nguồn gốc thực vật... Ví dụ cụ thể nhất là dòng sản phẩm nhãn mác riêng theo hướng thay thế của Tesco, như mì Ý cà rốt, mì Ý bí xanh, gạo bông cải trắng...

Trong bất kỳ dòng sản phẩm hiện tại nào của doanh nghiệp, chắc chắn sẽ có những nguyên vật liệu, thành phần có thể thay thế để bắt kịp xu hướng tiêu dùng này.

Xu hướng 4: Mua hàng thời đại mới

Hành vi mua hàng của người tiêu dùng đang thay đổi nên hành vi bán hàng không thể không thay đổi. Một xu hướng bán hàng lớn đang thịnh hành tại các thị trường đã phát triển là hình thức đăng ký dài hạn (subscription). Với cách bán hàng này, khách đặt hàng theo tháng và người bán giao hàng định kỳ, tận nơi. Các phần mềm sẽ dự đoán và đề nghị những hàng hóa phù hợp sở thích, dinh dưỡng của khách hàng theo lịch sử mua hàng. Ứng dụng nhìn thấy nhiều nhất là các dịch vụ đăng ký dài hạn các loại sản phẩm ăn vặt như Graze; dịch vụ cung cấp bữa ăn sơ chế hàng ngày Hello Fresh, Gousto; dịch vụ cung cấp bữa ăn tự nhiên, phù hợp dinh dưỡng cá nhân như Paleo Life Box.

Khi thời gian và sức khỏe trở thành hàng quý, mọi dịch vụ bán hàng giúp tiết kiệm thời gian và giúp giữ gìn sức khỏe trở thành điểm khác biệt cơ bản, trở thành giá trị cộng thêm đáng giá đối với khách hàng. Vì vậy, một doanh nghiệp cung cấp sản phẩm đôi khi cũng cần phải nghĩ đến sáng tạo từ góc độ dịch vụ.

Xu hướng 5: Sáng tạo từ dữ liệu lớn

Cuộc cách mạng 4.0 phá vỡ truyền thống bằng dữ liệu lớn, bằng khả năng cá nhân hóa từ dữ liệu đã thu thập, bằng chia sẻ dữ liệu và hỗ trợ tự động hóa, và như thế, sản phẩm phải có khả năng đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng và sở thích khác nhau của mỗi cá nhân. Đây là xu hướng mới nhưng sẽ trở thành xu hướng phát triển “ghê gớm” nhất trong nhiều năm tới.

Vấn đề cá nhân hóa dinh dưỡng mang ý nghĩa vô hạn về sáng tạo, từ nguyên vật liệu, thực phẩm chức năng bổ sung, giải pháp bữa ăn, giải pháp dịch vụ, giải pháp thiết bị, đến giải pháp sức khỏe và y tế. Từ sản xuất và kinh doanh sản phẩm sản xuất hàng loạt, giờ đây, doanh nghiệp buộc phải phá vỡ cách tiếp cận và tư duy cũ để nghĩ về các giải pháp cá nhân cho mỗi khách hàng. Đâu là sản phẩm nền có thể sản xuất hàng loạt? Đâu là thành phần có thể cá nhân hóa cộng thêm theo nhu cầu cá nhân? Làm thế nào để việc kết hợp sản phẩm nền và thành phần cá nhân hóa cộng thêm mang lại trải nghiệm tốt nhất, tiết kiệm thời gian nhất, phù hợp nhu cầu nhất và vẫn đảm bảo sản phẩm có chất lượng tốt nhất? Doanh nghiệp cần phải bắt đầu đặt câu hỏi, và cần có sự chuẩn bị nền tảng để đón đầu xu hướng khổng lồ này.

Một ví dụ hay về xu hướng cá nhân hóa dinh dưỡng là trường hợp của tập đoàn Campbell Soup, một tập đoàn thực phẩm đóng hộp tầm cỡ của Hoa Kỳ. Năm 2016, họ mua lại toàn bộ cổ phần của công ty startup Habit, một startup chuyên ngành dịch vụ bữa ăn theo hướng cá nhân hóa dinh dưỡng. Với Habit, khách hàng cung cấp các chỉ số cơ thể như chiều cao, cân nặng, vòng eo... và hoàn thành một bài kiểm tra tại nhà bằng dụng cụ test DNA của Habit. Bài test cung cấp khoảng 60 chỉ số sức khỏe, từ đó, Habit phân tích dữ liệu, đề nghị chế độ dinh dưỡng hợp lý nhất, thiết kế bữa ăn theo báo cáo phân tích, và triển khai dịch vụ giao bữa ăn tận nơi cho khách hàng. Với hình thức tiếp cận này, và trong tương lai, khi thiết bị đeo theo dõi sức khỏe trở nên thịnh hành, ngành thực phẩm sẽ bước sang một giai đoạn cá nhân hóa ngoạn mục.

Xu hướng 6: Hộ độc thân

Theo thống kê, trong vòng năm năm trở lại đây, số lượng “hộ gia đình solo” - chỉ có một người, tăng 32% trên toàn thế giới. Đây là “thế hệ số” không thích vướng bận. Họ thích tự do, thích di động, thích trải nghiệm càng nhiều càng tốt.

Gia đình solo dẫn đến nhu cầu solo. Mọi sản phẩm cho họ cần đơn giản, tiện lợi, dinh dưỡng, di động một cách... tất cả trong một. Tư duy sản phẩm và dịch vụ vì thế cũng phải hướng tới giải quyết nhu cầu khẩu phần nhỏ, di động, thiết bị đa năng, thiết kế không gian tiết kiệm, bao bì đa năng...

Ngày hội mua sắm độc thân tại Trung Quốc gần đây đã gây sốt toàn cầu vì trở thành ngày hội mua hàng đạt doanh thu kỷ lục. Tất cả mọi sản phẩm, trong đó có thực phẩm, đều cần “đơn vị độc thân”. Người ta thấy thực phẩm đóng trong bao bì Fresh Book - một cuốn sách có bảy lá nhựa, mỗi lá nhựa chứa khẩu phần thực phẩm thịt hay cá đã chế biến ăn ngay dành cho một người. Hộ độc thân chỉ cần mua một quyển sách này cho bảy ngày là đã có đủ protein cho một tuần. Các ứng dụng về thiết bị đa năng cũng rất đa dạng, như có microwave là máy nướng bánh mì 2 trong 1; có máy nướng bánh mì cũng vừa là radio; có thiết bị phục vụ bữa sáng 3 trong 1 - vừa nướng bánh mì, vừa pha cà phê, vừa chiên trứng... Tất cả đều quay về tính đa năng trong không gian nhỏ, đơn vị một người để phục vụ cho đối tượng này.

Tuy Việt Nam đi sau về trào lưu và xu hướng so với thế giới nhưng thời gian đi sau đã được rút ngắn nhanh chóng nhờ công nghệ. Đối với các doanh nghiệp ngành thực phẩm và dinh dưỡng có giấc mơ vươn ra khu vực và thế giới, thiết nghĩ nên bắt đầu tư duy cách tiếp cận và ứng dụng sáu xu hướng chủ đạo vừa nêu để đón đầu tương lai.
http://www.thesaigontimes.vn/163433/a.html

Để lại bình luận